Lạm phát năm 2004 có gì khác so với năm 2007?

Quá khứ luôn cho ta nhiều bài học đáng quý. Nhìn lại năm 2004, lúc bấy giờ lạm phát cả năm cũng đã đạt gần hai con số là 9,5% (tính theo CPI). Có một số liên hệ từ hai mốc thời gian tuy cách nhau ba năm nhưng lại có nhiều tình huống khá tương đồng để nhìn lại toa thuốc chống lạm phát mà Chính phủ mới vừa ban hành.

Ngay từ những tháng đầu năm 2004, khi xu hướng lạm phát mạnh bắt đầu có dấu hiệu manh nha, đã có rất nhiều khẳng định lạm phát cả năm tuy vượt qua con số 5% mà Quốc hội đề ra nhưng sẽ không bao giờ vượt quá con số 7,5%? Thế rồi mỗi tháng trôi qua, liên tục các dự báo đều thất bại, và cuối năm 2004 thì lạm phát gần bằng hai con số.

Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng có rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan trong nước và thế giới, nhất là trong một thế giới đầy bất ổn như ngày nay, khiến cho những tuyên bố hoặc dự báo mang tính khẳng định có thể không chính xác.

Cũng trong năm 2004, lạm phát được cho là không có nguyên nhân tiền tệ, ngoại trừ một số ít tranh luận về vấn đề mang tính tâm lý của việc phát hành tiền mới lúc bấy giờ.

Các nguyên nhân dẫn đến lạm phát năm 2004 suy cho cùng cũng gần giống như bảy tháng đầu năm nay, như: Giá cả một số mặt hàng như phôi thép, xăng dầu trên thế giới tăng lên, dịch cúm gia cầm, thiên tai, công tác kiểm soát giá cả còn nhiều yếu kém…

Chỉ có cái khác nhất trong tình hình lạm phát năm 2007 và dường như được nhiều người cho là khác biệt cơ bản nhất, đó là việc Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã mua vào 7 tỉ đô la, tức tương đương với 112.000 tỉ đồng được bơm vào lưu thông, trong khi mà nền kinh tế không thể hấp thụ nổi ngay một lúc hết lượng tiền đồng này: Nguyên nhân tiền tệ dẫn đến lạm phát tăng tốc là như thế.

Khi liên hệ với hai thời điểm này với nhau, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Vì sao năm 2004 không có nguyên nhân tiền tệ mà lạm phát vẫn gần hai con số; còn bảy tháng đầu năm nay lạm phát cũng đã ở mức cảnh báo, phải chăng do nguyên nhân tiền tệ là chủ yếu?

Đặt vấn đề như thế không có nghĩa phủ nhận tiền tệ là nguyên nhân dẫn đến lạm phát, mà để nhằm cảnh giác cao hơn nữa với các biểu hiện khác như tình trạng cấu kết của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp độc quyền, để nâng giá, và cũng để đối chiếu với một số nhận định (khẳng định) rằng lạm phát thời gian qua chủ yếu là do chính sách tiền tệ.

Ngay cả khi quy cho tiền tệ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát, thì có phải điều này cũng chỉ mang tính chất nhất thời, còn nguyên nhân lâu dài lại xuất phát từ chính sự yếu kém trong năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ta? Tất nhiên có phần trách nhiệm của các bộ ngành trong đó.

Chúng ta hẳn rất vui mừng từ những khẳng định của một số quan chức Chính phủ cho là lạm phát cả năm 2007 có khả năng sẽ không lên đến hai con số: Do những biện pháp quyết liệt của Chính phủ mới đây, và cũng do chúng ta đã có không ít những kinh nghiệm kiềm chế lạm phát. Thế nhưng tại sao chúng ta không chủ động “phòng” hơn là “chống” lạm phát từ gốc?

Ví dụ mang tính gợi ý cho việc phòng bệnh hơn chữa bệnh này là trường hợp giá xăng dầu. Do giá xăng dầu ở các nước thả nổi nên hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở khu vực châu Á đều sử dụng chỉ số giá Platts Singapore để định giá và họ tiến hành phòng ngừa rủi ro (hedging) giá xăng dầu biến động trên chỉ số này.

Điều này phần nào giải thích vì sao trong nhiều thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng lên nhưng giá xăng dầu ở các nước trong khu vực vẫn đứng yên hoặc thay đổi rất ít. Tại sao Nhà nước lại không có bất kỳ một chính sách nào để buộc những doanh nghiệp của mình phải phòng bệnh (hedging) mà phải đợi đến khi có bệnh mới cho thanh tra, giảm thuế…

Chi phí phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, sắt thép… ắt hẳn phải rẻ hơn rất nhiều so với những phí tổn mà Nhà nước phải gánh chịu từ khoản phí do việc áp dụng toa thuốc cực mạnh (chỉ riêng giảm thuế không thôi đã mất 1.000 tỉ đồng mỗi năm?). Cái giá lớn nhất chính là làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Bảy tháng đầu năm nay, lạm phát của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, nhưng họ vẫn dùng công cụ lãi suất là chủ yếu để kiềm chế lạm phát, thay vì phải sử dụng những toa thuốc cực mạnh như giảm thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu như ở Việt Nam… Tất nhiên, hiệu ứng giảm giá đến đâu thì còn phải chờ.

PGS.TS. Trần Ngọc Thơ
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bình luận về bài viết này